[Đánh giá laptop] Đánh giá MSI CX480
MSI không phải là một tên tuổi mới của thị trường laptop tuy nhiên trong quá khứ thì nỗ lực của MSI trong mảng thị trường này chưa thực sự rõ. Các sản phẩm laptop của MSI nhìn chung thì chưa thực sự gây được những cảm xúc riêng đối với người dùng.
MSI CX480 chính là một trong những dòng sản phẩm mới của MSI trong nỗ lực phát triển ở mảng thị trường máy tính xách tay. MSI CX480 mang nhiều nét thiết kế mới cũng như được phát triển trên nền tảng Sandy Bridge của Intel. Mẫu máy tính xách tay này sẽ nhắm đến những đối tượng ở tầm trung mong muốn có muốn chiếc laptop có thiết kế đẹp cũng như hiệu năng kha khá cho các nhu cầu trong cuộc sống và làm việc.
Chúng ta sẽ cùng tiến hành đi vào chi tiết để xem MSI CX480 thực sự như thế nào.
Cấu hình chiếc laptop MSI CX480 mà chúng tôi nhận được như sau:
- Intel Core i5-2410M (2×2.30GHz 3MB cache L3)
- Chipset HM65
- 4GB DDR3 bus 1333MHz
- HDD 640GB 7200rpm
- TFT LCD 14-inch, độ phân giải 1366 x 768
- Nvidia GeForce GT 520M
- Pin 6-cell 56Whr
- Wi-Fi b/g/n
- DVD+/-RW
- Hệ điều hành Windows 7 Home Premium 64-bit
Thiết kế tổng quan
Cảm nhận chung khi được sử dụng MSI CX480 đó là thiết kế rất đẹp. Máy được thiết kế sử dụng 2 tông màu chính là trắng và đen rất hợp với nhau. Màu trắng của mặt trước và phần kê tay thực ra là màu trắng sữa, được kèm nhiều vân nhỏ màu xám mà chúng ta chỉ có thể nhận ra khi ở khoảng cách gần. Mặt trên của máy bóng do đó ít dính bụi nhưng đồng thời cũng không dính dấu vân tay khi sử dụng. Logo của MSI được nằm về một phía và có màu sắc chỉ vừa đủ nổi bật. Điểm cộng cho MSI về chất liệu được sử dụng ở mặt trên cũng như phần kê tay của máy, trông đơn giản nhưng khá đẹp.
Mặt dưới của máy thì không có gì đặc biệt, giống với nhiều mẫu laptop khác. Máy được trang bị nhiều khe tản nhiệt nhỏ nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào khu vực tản nhiệt bên hông. Phần nắp sau có thể tháo ra để thay ổ cứng hoặc nâng cấp RAM cho máy. Ở 4 góc của máy được trang bị 4 chân có độ cao vừa phải để tránh máy tiếp xúc sát với mặt bàn giảm hiệu quả tản nhiệt. Phần viền đen ở giữa máy sử dụng chất liệu nhựa bóng, hơi khác với bề mặt nhám phía dưới. Với thiết kế kiểu này thì nhìn ngang máy trông khá đẹp vì phần này hợp với bền mặt phía trên chỗ gác tay.
Các cổng kết nối của máy cũng không thực sự nhiều, chỉ ở mức vừa đủ. Cạnh bên trái của máy gồm có cổng Ethernet, VGA, khe tản nhiệt, HDMI và 1 cổng USB 3.0. Cụm chứa cổng HDMI và cổng USB 3.0 có nắp đậy. Cổng cắm sạc nằm ở phần trên cùng.
Cạnh bên phải gồm ổ DVD, 2 cổng USB và 2 cổng âm thanh. Khe cắm thẻ nhớ nằm ở cạnh đối diện với người dùng phía trái, có thể sử dụng với các loại thẻ nhớ như SD, SDXC, MS và MS Pro.
Toàn bộ máy có kích thước là 343 x 240 x 25 mm với khối lượng là 2.2 Kg (đã bao gồm cả pin 6-cell đi kèm). Độ dày chỗ dày nhất lên đến khoảng 31 mm. Nhìn chung thì máy cũng không phải là nặng nhưng cũng không nhẹ, khối lượng và kích thước cũng tương đương với các mẫu laptop 14-inch từ các hãng khác.
Bàn phím và touchpad
Bàn phím của máy cũng như ngoại hình của máy, được thiết kế nhìn rất đẹp. Loại bàn phím được sử dụng là chiclet, kích thước các phím cơ bản vào khoảng 1.6 x 1.6 cm, khoảng cách giữa các phím là 4mm. Bề mặt phím nhám, nhưng phần chữ được in không đẹp mắt lắm. Và phần quan trọng nhất là bàn phím trên CX480 có hiện tượng flex. Nguyên nhân là do phần ngàm giữa bàn phím và thân máy không chắc chắn lắm, đôi khi tách ra nên khi bạn nhấn một phím bất kỳ thì cả khu vực cũng chuyển động theo. Đây là một điểm MSI cần khắc phục ở các dòng sản phẩm sau này.
Âm thanh khi gõ phát ra từ bàn phím không lớn lắm, một phần cũng do dây là loại bàn phím chiclet. Các phím tắt của máy khá phong phú tuy nhiên có một nhược điểm là các phím kết với phím Fn không hoạt động cho đến khi Windows khởi động xong, điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu bạn cài thêm hệ điều hành khác mà không được MSI hỗ trợ driver thì khả năng các phím này không hoạt động được. Kết hợp với phím Fn, góc phía phải của bàn phím có thể được sử dụng như một bàn phím số.
Phía trên bàn phím chỉ gồm nút hỗ trợ chức năng Time Stamp và khu vực cảm biến ánh sáng. Điểm thú vị trong thiết kế của MSI CX480 chính là nút power. Nút power không nằm ở biểu tượng của nút này phần góc trái mà được thiết kế tích hợp vào khu vực loa bên trái. Thanh chắn ngang của loa bên trái chính là nút Power. Ẩn dưới loa là các đèn LED báo trạng thái của pin cũng như trạng thái sạc pin. Phần thiết kế khu vực này MSI đã làm khá tốt.
Nói thêm về chức năng mở máy bằng cảm biến ánh sáng. Chức năng này có thể tắt bằng cách điều chỉnh trong BIOS hoặc bằng phần mềm trong hệ điều hành. Tuy nhiên khi sử dụng chức năng này có điểm tiện dụng nhưng cũng có điểm bất tiện nhưng theo chúng tôi nghĩ thì tiện nhiều hơn là bất tiện.
Touchpad của máy được thiết kế có kích thước tương đối thoải mái khi sử dụng. Bề mặt touchpad có vân tròn giống như vân tay cho cảm giác sử dụng tốt hơn tuy nhiên nếu dính bẩn sẽ khó vệ sinh hơn so với các bề mặt touchpad thông thường. Touchpad có thể được vô hiệu hóa bằng cụm phím tắt khi sử dụng nhưng máy không được trang bị đèn báo trạng thái của touchpad.
Các nút của touchpad tỏ ra hơi khó nhấn, không thực sự nhạy và tạo cảm giác không được bền cho lắm. Theo như chúng tôi đoán thì chỉ sau một khoảng thời gian sử dụng sẽ ảnh hưởng đến tình trạng của nút ấn này. Các nút này có bề mặt bóng được mạ crôm.
Phía gần touchpad là cụm 4 đèn LED báo các trạng thái của ổ cứng, wifi, CapsLock và cảm biến ánh sáng. Các đèn LED này cũng màu xanh giống như cụm đèn LED ở nút Power.
Màn hình và loa
Cả máy không có phần nào được thiết kế bằng kim loại, phần màn hình cũng không là ngoại lệ. Độ dày của màn hình máy vào khoảng gần 1cm. Góc mở của màn hình so với phần thân máy tối đa là 130o. Viền của màn hình do làm bằng nhựa nên không tỏ ra chắc chắn cho lắm.
Chất lượng bên trong của màn hình cũng không phải là một ưu điểm của MSI CX480. Độ nét của màn hình không được cao lắm, tỏ ra thua so với một số mẫu màn hình trên laptop có độ phân giải và kích thước tương đương (14-inch, 1366 x 768). Độ tương phản và độ sáng của máy thì không có gì đáng phải phàn nàn. Màn hình máy có thể thay đổi độ sáng ở 16 mức khác nhau.
Góc nhìn của màn hình đúng như mong đợi, không được cao lắm, đặc biệt là góc nhìn phía trên và phía dưới. Góc nhìn qua 2 bên thì tốt hơn một tí. Khi thử nghiệm làm việc ngoài trời thì máy tỏ ra khá “đuối”, có lẽ nó chỉ thích hợp làm việc trong phòng.
Loa của máy được trang bị logo SRS đảm bảo cho chất lượng “tầm tầm”. Đúng như vậy, chất lượng của loa chỉ dừng lại ở mức độ trung bình. Các dải âm cao được thể hiện tương đối tốt nhưng dải âm trung và âm trầm hơi kém, đây cũng là vấn đề chung với các loại loa trên laptop. Âm thanh cũng tương đối lớn nhưng nhìn chung để xem phim tạm chứ không nên dùng để thưởng thức âm nhạc. Thiết kết của loa lại đi ngược với chất lượng, được thiết kế khá đẹp mắt và hoành tráng.
Âm thanh qua tai nghe của MSI CX480 cũng không khác với loa ngoài nhiều lắm. Lại một lần nữa các dải âm trầm không được thể hiện trọn vẹn. MSI có lẽ cần cải tiến thêm về chất lượng âm thanh của máy nếu muốn đáp ứng được nhu cầu giải trí của người dùng. Âm thanh qua tai nghe khi mở tối đa vẫn không lớn lắm. Dù vậy, với các nhu cầu sử dụng cơ bản thì vẫn đáp ứng được.
Pin và thời gian sử dụng
Pin được đi kèm với máy là loại pin 6-cell Li-Ion có dung lượng 56 Wh. Kích thước của pin ở mức trung bình nhưng có hình dạng khá lạ so với các loại pin khác. Máy giữ pin lại bằng 2 khóa và để lấy pin ra bạn sẽ phải mở cả 2 loại khóa này.
Chúng tôi tiến hành thực hiện các phép thử để đo thời gian sử dụng pin của máy:
- Chơi game: Chúng tôi tiến hành cho chạy liên tục ứng dụng benchmark của game The Last Remnant cho đến khi máy tự động tắt và ghi lại thời gian, màn hình được chỉnh độ sáng tối đa và sử dụng tai nghe khi chơi game.
- Lướt web: Trình duyệt Chrome phiên bản mới nhất được mở lên với khoảng 10 tab, 1 tab được mở 1 trang nghe nhạc online (âm thanh ở mức 25%), các tab còn lại được tự động refresh sau mỗi 1 phút để giả lập trạng thái lướt web người dùng, độ sáng màn hình được chỉnh ở mức 10/16.
- Xem phim: Đoạn phim trailer MADAGASCAR : ESCAPE 2 AFRICA với độ phân giải 720p được mở ở chế độ lặp lại bằng Quicktime, thời gian được ghi nhận lại với độ sáng màn hình 100%.
Với kết quả như trên, nếu như máy được sử dụng để lướt web hoặc xem phim thì có thời gian sử dụng tương đối chấp nhận được nhưng nếu để chơi game thì không phải là một ý tưởng hay. Chip đồ họa GT 520M chính là một trong những nguyên nhân ngốn pin khi chơi game của máy. Còn ở chế độ sử dụng thông thường thì nhân đồ họa bên trong CPU là Intel HD Graphics được sử dụng nên điện năng tiêu thụ không cao. Nếu như bạn sử dụng bình thường để lướt web, thời gian sử dụng pin sẽ vào khoảng 3 giờ hoặc hơn khi kích hoạt chế độ tiết kiệm pin được đi kèm trong máy.
Thời gian sạc đầy pin khi kể từ thời điểm còn 5% đến khi đầy là khá nhanh, chưa đến 2 giờ. Đặc biệt là trong thời gian đầu sạc thì pin lên khá nhanh, điểm này khá hữu ích khi bạn đang cần sạc và sử dụng gấp máy.
Nhiệt độ hoạt động
Chúng tôi đo thử nhiệt độ của máy tại một số điểm trên thân máy trong quá trình stress máy. Thời gian stress máy được khoảng 15 phút và nhiệt độ phía trên máy như trên. Còn ở mặt sau máy, kết quả như sau:
Do vỏ máy không được làm bằng kim loại nên trong quá trình sử dụng người dùng cũng không cảm nhận được độ nóng của máy. Nhiệt độ phòng khi chúng tôi thử nghiệm phép thử trên là 27o. Ở các khe tản nhiệt bên cạnh nhiệt độ cao hơn khá nhiều, lên đến 48o, còn nhiệt độ trực tiếp ở miếng kim loại tản nhiệt là 61o.
Dù vậy, đó chỉ là trạng thái máy chạy hết năng lực, trong quá trình sử dụng bình thường thì người dùng không cần lo lắng lắm đến vấn đề nhiệt độ này. Chỉ có một lưu ý là không nên để các vật khác trên bàn làm việc ở gần khe tản nhiệt của máy.
Về mặt độ ồn, máy không tạo ra tiếng ồn nào đáng kể lắm. Phần gây ồn nhất của máy chính là quạt tản nhiệt nhưng chỉ trường hợp máy hoạt động cường độ cao thì quạt mới phát ra tiếng ồn lớn. Dù vậy, chỉ khi làm việc trong môi trường yên tĩnh bạn mới cảm nhận được tiếng ồn này.
Hiệu năng
MSI CX480 được trang bị bộ xử lý Core i5-2410M với 2 nhân xử lý và 1 nhân đồ họa Intel HD Graphics bên trong. Bộ xử lý này được sản xuất với dây chuyền 32nm giống với các bộ xử lý Sandy Bridge khác. Ở chế độ thông thường, mức xung của 2410M là 2.3 GHz nhưng ở chế độ Turbo Boost có thể tăng lên mức xung nhịp 2.9 GHz. Dung lượng bộ nhớ RAM đi kèm là 4GB đủ để chạy nhiều loại ứng dụng như xem phim, Office, Photoshop, …
Về mặt đồ họa, MSI CX480 được trang bị chip NVIDIA GT 520M. GPU này sở hữu 48 nhân CUDA và hoạt động với xung nhịp 600 MHz. Phiên bản GT 520M được sử dụng bên trong CX480 sử dụng nhân GF108 và có giao tiếp với bộ nhớ rộng 128-bit. Ngoài ra, GT 520M còn có phiên bản sử dụng nhân GF119 mới với mức xung nhân cao hơn – 740 MHz nhưng có độ rộng bus giao tiếp với bộ nhớ thấp hơn – 64-bit.
Với hiệu năng như trên, máy có thể đáp ứng nhiều nhu cầu giải trí và làm việc thông thường. Với các nhu cầu chơi game, GT 520M chỉ có thể đáp ứng các game yêu cầu đồ họa trung bình. Với các game như The Last Remnant, máy có thể chạy với độ phân giải gốc của màn hình ở mức chơi được, chưa thực sự mượt lắm. Còn nếu sử dụng máy để chơi các game eSport thì hoàn toàn có thể.
Kết luận
MSI CX480 sẽ sớm có mặt trên thị trường trong tương lai gần. Hiện tại chúng tôi chưa có thông tin về giá của mẫu laptop này. Tuy nhiên, dựa vào những gì chúng tôi đang sử dụng thì thấy đây là một mẫu laptop mà những người dùng phái nữ nên xem xét qua. Máy có thiết kế đẹp và hiệu năng tương đối đủ dùng trong nhiều tác vụ. MSI dù sao vẫn không phải là một nhà sản xuất laptop có tiếng tăm nên CX480 vẫn còn mắc phải một số nhược điểm.
Ưu điểm:
- Thiết kế đẹp
- Hiệu năng tương đối
Nhược điểm:
- Màn hình chất lượng trung bình
- Bàn phím chưa tốt
[Đánh giá laptop] Đánh giá MSI CX480, 144, Chuyên trang cộng đồng của thegioilaptop.com.vn, Hoàng Kim, Chuyên trang cộng đồng của thegioilaptop.com.vn, 19/06/2015 13:41:16
[Đánh giá laptop] Đánh giá MSI CX480 Đánh giá laptop
Các bài viết liên quan đến [Đánh giá laptop] Đánh giá MSI CX480 , Đánh giá laptop
- 20/06/2015 [Đánh giá laptop] Ngắm laptop chơi game Alienware M11x 274
- 19/06/2015 [Đánh giá laptop] Đánh giá Alienware 13 345
- 19/06/2015 [Đánh giá laptop] Đánh giá laptop Alienware 18. 182
- 19/06/2015 [Đánh giá laptop] Đánh giá nhanh laptop MSI WS60 136
- 19/06/2015 [Đánh giá laptop] Đánh giá laptop MSI PE60 Prestige 184